Bảng phiên âm IPA là kiến thức cơ bản nhất mà các bạn cần phải nắm để có thể luyện phát âm tiếng Anh chuẩn như một người bản xứ.
Bảng phiên âm quốc tế IPA có thể sẽ hơi khó đọc đối với các bạn mới bắt đầu luyện phát âm tiếng Anh.
Đừng quá lo lắng, IELTS CITY sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc bảng IPA chuẩn nhất tại bài viết sau nhé!
Nội dung chính
Toggle1. Bảng phiên âm IPA là gì?
Bảng phiên âm IPA (International Phonetic Alphabet) là hệ thống các ký hiệu Latin được các nhà ngôn ngữ học tạo ra và sử dụng nhằm thể hiện cách phát âm của các từ và âm tiết trong ngôn ngữ một cách chuẩn xác và riêng biệt. Bảng IPA bao gồm 44 âm trong đó có 20 âm nguyên âm (vowels) và 24 âm phụ âm (consonants).
2. Cách đọc bảng phiên âm quốc tế IPA chi tiết
2.1. Tổng quan chi tiết về bảng IPA:
Bảng phiên âm IPA gồm 44 âm. Trong đó có:
20 Nguyên âm (vowels): | 24 Phụ âm (consonants): |
---|---|
Nguyên âm đơn (monopthongs): • Là nguyên âm chỉ có đúng một âm, không được cấu thành từ 2 âm nguyên âm như nguyên âm đôi. • 12 nguyên âm đơn là: /ɪ/, /ɪ:/, /e/, /ə/, /ɜ:/, /ʊ/, /u:/, /ɒ/, /ɔ:/, /ʌ/, /ɑ:/ | Âm hữu thanh (voiced sounds): • Gồm 15 âm: /b/, /d/, /ɡ/, /v/, /z/, /ʒ/, /dʒ/, /m/, /n/, /ŋ/, /l/, /r/, /w/, /j/, /ð/ |
Nguyên âm đôi (dipthongs): • Là nguyên âm được tạo thành bởi 2 nguyên âm đơn. • 8 nguyên âm đôi là: /ɪə/, /eə/, /eɪ/, /ɔɪ/, /aɪ/, /əʊ/, /aʊ/, /ʊə/ | Âm vô thanh (voiceless sounds): • Gồm 9 âm: /p/, /t/, /k/, /f/, /s/, /ʃ/, /tʃ/, /h/, /θ/ • Đặc biệt, trong 16 phụ âm hữu thanh có nhóm 3 âm mũi /m/, /n/, /ŋ/ |
Phân loại các âm theo tính chất vô thanh và hữu thanh:
Trước hết, ta hãy tìm hiểu 2 khái niệm “hữu thanh” và “vô thanh”. Hai tính chất này liên quan đến 2 việc:
- Khi phát âm dây thanh quản của ta có rung hay không.
- Ta có đẩy khí ra ngoài hay không.
Âm hữu thanh:
- Ta sẽ rung dây thanh (sờ tay vào cổ sẽ thấy rung).
- Ta sẽ không đẩy/bật khí ra khỏi miệng.
Âm vô thanh:
- Ta sẽ không rung dây thanh (sờ tay vào cổ không thấy rung).
- Ta sẽ đẩy/bật khí ra khỏi miệng.
Phân loại 44 âm theo tính chất hữu thanh-vô thanh:
- Nguyên âm: Toàn bộ 20 âm nguyên âm đều là âm hữu thanh
- Phụ âm:
- Âm hữu thanh- 15 âm: /b/, /d/, /ɡ/, /v/, /z/, /ʒ/, /dʒ/, /m/, /n/, /ŋ/, /l/, /r/, /w/, /j/, /ð/
- Âm vô thanh- 9 âm: /p/, /t/, /k/, /f/, /s/, /ʃ/, /tʃ/, /h/, /θ/
💡 Phân biệt âm hữu thanh và vô thanh sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều trong việc:
📹Bạn có thể xem trước cách đọc bản phiên âm tiếng Anh IPA qua video sau:
2.2. Cách đọc Nguyên âm
Trong tiếng Anh, ta có 5 nguyên âm chính là u,e,o,a,i. Dựa vào 5 nguyên âm chính này, bảng IPA được chia ra thành 12 nguyên âm đơn và 8 nguyên âm đôi.
Nguyên âm đơn
Sau đây IELTS CITY, sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc 12 nguyên âm đơn trong bảng IPA
1. Âm /ɪ/
– Tính chất âm: Thường được gọi là “âm i ngắn” và âm vang lên rất dứt khoát, ngắn và tù; nghe như có sự kết hợp giữa “i” và “ê” trong tiếng Việt.
– Khẩu hình: Môi hơi tụm lại, không bẹt sang hai bên. Hai hàm răng tách nhau ra một chút hoặc không (tùy cấu tạo răng).
– Vị trí- hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: kiss /kɪs/
2. Âm / iː/
– Tính chất âm: Kéo dài nên thường được gọi là “âm i dài”.
– Khẩu hình: Miệng bẹt sang hai bên và nhe răng như cười. Hai hàm răng tách nhau ra một chút hoặc không (tùy cấu tạo răng).
– Vị trí- hình dáng lưỡi: So với âm /ɪ/ thì đầu lưỡi đưa lên cao hơn một chút.
– Ví dụ: leave /liːv/
3. Âm /ʊ/
– Tính chất âm: Phát âm ngắn và dứt khoát nên hay được gọi là “âm u ngắn”. Người Anh thường phát âm âm này giống chữ “u” trong tiếng Việt. Người Mỹ lại thường phát âm âm này như chữ “ư”.
– Khẩu hình: Môi hơi chu ra và chum lại tạo thành hình tròn nhỏ.
– Vị trí- hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: look /lʊk/
4. Âm /uː/
– Tính chất âm: Thường được gọi là “âm u dài”. Phát âm giống chữ “u” trong tiếng Việt nhưng kéo dài.
– Khẩu hình: Môi chu ra phía trước nhiều hơn âm /ʊ/ và chụm lại tạo thành hình tròn nhỏ.
– Vị trí- hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: shoot /ʃuːt/
5. Âm /e/
– Âm thanh: Giống “e” tiếng Việt nhưng ngắn và dứt khoát hơn.
– Khẩu hình: Giống “e” tiếng Việt nhưng nhỏ hơn, tránh mở rộng sang hai bên.
– Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: send /send/
6. Âm /ə/
– Tính chất âm: Phát âm giống chữ “ơ” tiếng Việt nhưng nhẹ, ngắn hơn.
– Khẩu hình: Khẩu hình như khi đọc chữ “ơ” nhưng nhỏ hơn và vòm họng hạ thấp hơn.
– Vị trí- hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: clever /ˈklevə(r)/
7. Âm /ɜː/
– Tính chất âm: Giống chữ “ơ” trong tiếng Việt nhưng nghe dài hơn và sâu hơn.
– Khẩu hình miệng: Khẩu hình giống khi đọc “ơ” nhưng tròn hơn một chút.
– Vị trí-hình dáng lưỡi: Cong đầu lưỡi lên về phía vòm miệng.
– Ví dụ: service /ˈsɜːrvɪs/
8. Âm /ʌ/
– Tính chất âm: Khá giống cách đọc “â” tiếng việt. Ngắn, dứt khoát và có lực.
– Khẩu hình: Khẩu hình dẹt hơn so với âm /ə/ và âm /ɜː/.
-Vị trí-hình dáng lưỡi: Hơi nâng lưỡi lên.
– Ví dụ: love /lʌv/
9. Âm /ɔː/
– Tính chất âm: Nghe giống “o” tiếng Việt nhưng dài và sâu hơn nên thường được gọi là “âm o dài”.
– Khẩu hình miệng: Môi chu ra nhưng không chụm lại mà tạo thành hình chữ o nhỏ.
– Vị trí-hình dáng lưỡi: Cong đầu lưỡi lên về phía vòm miệng.
– Ví dụ: store /stɔː(r)/
10. Âm /ɒ/
– Tính chất âm: Nghe khá giống “o” tiếng Việt nhưng ngắn, dứt khoát và có lực nên được gọi là “âm o ngắn”.
– Khẩu hình: Miệng có phần bẹt, không tròn như khi phát âm /ɔː/.
– Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: hot /hɒt/
11. Âm /ɑː/
– Tính chất âm: Nghe gần giống “a” tiếng Việt nhưng nghe dài và hẹp hơn.
– Khẩu hình: Mở miệng theo chiều dọc nhiều, không quá tròn cũng không quá bẹt sang hai bên. Mở miệng nhỏ và tiết chế hơn so với “a” tiếng Việt.
– Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi để thấp, thả lỏng và nằm yên như bình thường.
– Ví dụ: shop /ʃɑːp/
12. Âm /æ/
– Tính chất âm: Sự kết hợp giữa hai âm /ɑː/ và /e/. Tuy nhiên, ta không kéo dài âm /ɑː/ mà vừa phát âm thì chuyển sang âm /e/ luôn.
– Khẩu hình: Lúc đầu khẩu hình âm /ɑː/ nhưng nhanh chóng chuyển sang khẩu hình âm /e/. Cố gắng để 2 âm liền nhau nhất có thể.
– Vị trí-hình dáng lưỡi: Lưỡi thả lỏng, để nằm, không cử động.
– Ví dụ: hat /hæt/
Nguyên âm đôi
Và giờ thì ta tiếp tục với cách đọc của 8 nguyên âm đôi trong bảng phiên âm quốc tế IPA
* Lưu ý chung cho các âm nguyên âm đôi là ta phải phát âm liền mạch từ nguyên âm thành phần thứ nhất sang nguyên âm thành phần thứ hai hay nói theo cách khác là có sự kéo từ âm 1 qua âm 2 chứ không phát âm rời rạc hai âm.
1. /ɪə/: Phát âm /ɪ/ kéo dài qua /ə/. Khẩu hình từ dẹt sang hơi mở.
Ví dụ: hear /hɪə(r)/
2. /ʊə/: Phát âm /ʊ/ kéo dài qua /ə/. Khẩu hình chuyển từ chụm lại sang mở rộng hơn.
Ví dụ: sure /ʃʊə(r)/
3. /eə/: Phát âm /e/ kéo dài qua /ə/. Khẩu hình từ dẹt chuyển sang tròn hơn.
Ví dụ: share /ʃeə(r)/
4. /eɪ/: Phát âm /e/ kéo dài qua /ɪ/. Khẩu hình từ bẹt- mở ngang chuyển sang hơi chụm vào ở giữa và hai hàm răng đóng hờ.
Ví dụ: stay /steɪ/
5. /ɔɪ/: Phát âm/ɔː/ kéo dài sang âm /ɪ/. Khẩu hình từ tròn-mở chuyển sang dẹt và hai hàm răng đóng hờ. Không kéo âm /ɔː/ quá dài.
Ví dụ: toy /tɔɪ/
6. /aɪ/: Phát âm /ɑː/ kéo dài sang âm /ɪ/. Khẩu hình từ tròn-mở chuyển sang dẹt và hai hàm răng đóng hờ. Khẩu hình từ tròn-mở chuyển sang dẹt và hai hàm răng đóng hờ. Không kéo /ɑː/ quá dài.
Ví dụ: fly /flaɪ/
7. /əʊ/: Phát âm /ə/ kéo dài sang âm /ʊ/. Môi từ mở hờ, bẹt nhè dần chụm lại đưa về phía trước
Ví dụ: go /ɡəʊ/
8. /aʊ/: Phát âm /ɑː/ kéo dài sang âm /ʊ/. Môi từ mở theo chiều dọc khá nhiều dần chụm lại đưa về phía trước. Không kéo /ɑː/ quá dài.
Ví dụ: loud /laʊd/
2.2. Cách đọc Phụ âm
Lưu ý: Nhóm các cặp âm cùng (hoặc rất giống nhau về) khẩu hình và cách điều khiển khoang miệng nhưng trái ngược về tính chất vô thanh- hữu thanh.
Cặp âm 1: /b/ – /p/
- Khẩu hình- Lưỡi: Đều bắt đầu bằng cách mím môi lại sau đó mở miệng ra và phát âm. Lưỡi thả lỏng, để nằm, không di chuyển.
- Hữu- Vô thanh:
+ /b/ hữu thanh: mở môi nhẹ nhàng, không bật hơi ra và rung dây thanh để phát âm.
Ví dụ: baby /ˈbeɪbi/
+ /p/ vô thanh: môi mím chặt lấy đà bật mạnh hơi ra và tạo tiếng nổ nhưng không rung dây thanh.
Ví dụ: hope /həʊp/
Cặp âm 2: /d/ – /t/
- Khẩu hình- Lưỡi: Khẩu hình dẹt. Hai hàm răng không tách ra hoặc chỉ tách hờ chút xíu. Lúc bắt đầu phát âm, đầu lưỡi chạm vào vị trí ngay sau chân răng của hàm răng trên rồi dời đi.
- Hữu- Vô thanh:
+ /d/ hữu thanh: Khi kéo đầu lưỡi khỏi chỗ ngay sau chân răng hàm trên, ta rung dây thanh để phát âm. Ví dụ: need /niːd/
+ /t/ vô thanh: Khi kéo đầu lưỡi khỏi chỗ ngay sau chân răng hàm trên, ta không rung dây thanh mà đẩy/ bật khí ra, tạo nên âm mỏng và sắc. Ví dụ: cut /kʌt/
Cặp âm 4: /ɡ/ – /k/
- Khẩu hình- Lưỡi: Miệng hơi mở ra, phần gần cuống lưỡi nâng lên và chạm vào phần ngạc mềm trên và chặn luồng hơi lại, sau đó hạ phần lưỡi xuống.
- Hữu- Vô thanh:
+ /ɡ/ hữu thanh: Rung dây thanh quản và ngay trước khi hạ lưỡi xuống thì đẩy hơi lên mũi để tạo độ “gằn” cho khác với chữ “g” trong tiếng Việt. Ví dụ: hug /hʌɡ/
+ /k/ vô thanh: Không rung dây thanh và khi hạ lưỡi xuống cố gắng bật khí ra để tạo độ nổ.
Ví dụ: cook /kʊk/
Cặp âm 4: /v/ – /f/
- Khẩu hình-Lưỡi: Hàm răng trên cắn nhẹ xuống cánh môi dưới.
- Hữu- Vô thanh:
+ /v/ hữu thanh: Ta rung dây thanh quản để tạo âm thanh nhưng không đẩy khí ra ngoài. Môi dưới cảm nhận được độ rung nhẹ. Ví dụ: have /hæv/
+ /f/ vô thanh: Ta không rung dây thanh. Ta “phà”/ thổi khí ra ngoài qua khoảng hở rất nhỏ giữa hàm răng trên và môi dưới. Ví dụ: wife /waɪf/
Cặp âm 5: /z/ -/s/
- Khẩu hình- Lưỡi: Thả lỏng môi và đóng hờ răng. Đưa đầu lưỡi lưỡi lên về gần hoặc chạm vào phần chân răng của hàm răng trên (cần tùy cấu tạo răng- lưỡi để thoải mái và thuận tiện nhất).
- Hữu- Vô thanh:
+ /z/ hữu thanh: Ta rung dây thanh. Ta sẽ không đẩy khí ra mà giữ lại ở sau lưỡi. Từ đó, ta sẽ tạo được âm thanh “zì zì” như tiếng ong. Ví dụ: zebra /ˈziːbrə/
+ /s/ vô thanh: Ta không rung dây thanh. Ta đẩy khí ra qua khe hở nhỏ hoặc chỗ chạm giữa đầu lưỡi và chân hàm răng trên. Từ đó, ta tạo ra được âm thanh “xì xì” như tiếng rắn. Ví dụ: sun /sʌn/
Cặp âm 6: /ʒ/ – /ʃ/
- Khẩu hình-Lưỡi: Thả lỏng môi. Đóng hờ hai hàm răng. Cong đầu lưỡi lên đến sát vòm họng.
- Hữu- Vô thanh:
+ /ʒ/ hữu thanh: Ta rung dây thanh và không “xì” khí ra.
Ví dụ: garage /ɡəˈrɑːʒ/
+ /ʃ/ vô thanh: Ta không rung dây thanh nhưng “xì” khí ra.
Ví dụ: brush /brʌʃ/
Cặp âm 7: /dʒ/ – /tʃ/
- Khẩu hình- Lưỡi: Môi thả lỏng. Hai hàm răng đóng hờ. Phần thân lưỡi nâng lên, chạm vào vòm miệng.
- Hữu- Vô thanh:
+ /dʒ/ hữu thanh: Ta rung dây thanh quản khi kéo lưỡi ra khỏi vòm miệng.
Ví dụ: bridge /brɪdʒ/
+ /tʃ/ vô thanh: Ta không rung dây thanh mà đẩy khí ra vào lúc kéo lưỡi ra khỏi vòm miệng.
Ví dụ: chair /tʃer/
– Cặp 8: /ð/ – /θ/
- Khẩu hình-Lưỡi: Miệng dẹt và mở hé. Đầu lưỡi đưa ra khỏi miệng một chút và kẹp nhẹ giữa hai hàm răng.
- Vô- Hữu thanh:
- /ð/ hữu thanh: Rung dây thanh và không đẩy khí ra ngoài. Khí bị chặn lại ở chỗ tiếp xúc giữa lưỡi và hàm răng trên sẽ tạo ra độ rung tại vị trí tiếp xúc giữa lưỡi và hai hàm răng.
Ví dụ: there /ðer/ - /θ/ vô thanh: Không rung dây thanh mà đẩy khí ra qua ngoài qua chỗ tiếp xúc giữa lưỡi và hai hàm răng.
Ví dụ: theme /θiːm/
- /ð/ hữu thanh: Rung dây thanh và không đẩy khí ra ngoài. Khí bị chặn lại ở chỗ tiếp xúc giữa lưỡi và hàm răng trên sẽ tạo ra độ rung tại vị trí tiếp xúc giữa lưỡi và hai hàm răng.
Âm mũi và hữu thanh
– /m/ : Mím môi rồi tạo ra âm thanh bằng cách rung dây thanh quản và đẩy không khí lên mũi.
Ví dụ: mother /ˈmʌðər/
– /n/ : Chạm đầu lưỡi vào vòm miệng ở chỗ chân răng cửa hàm trên rồi tạo ra âm thanh bằng cách rung dây thanh quản và đẩy không khí lên mũi. Ví dụ: now /naʊ/
– /ŋ/ : Phần gần cuống lưỡi nâng lên và chạm vào khu vực sau của vòm miệng tính từ răng vào. Tạo ra âm thanh bằng cách đẩy không khí lên mũi. Ví dụ: hang /hæŋ/
Những âm còn lại
– /l/ (hữu thanh): Chạm đầu lưỡi vào chân răng cửa hàm trên, cong phần thân lưỡi trũng xuống và rung dây thanh. Ví dụ: role /rəʊl/
– /r/ (hữu thanh): Đưa phần phía sau lưỡi (gần cuống lưỡi) lên. Đẩy thấp phần trung tâm của lưỡi xuống để tạo một vùng trũng. Hướng đầu lưỡi lên trên. Cần đảm bảo giữ được độ cong cho khu vực trũng. Rung dây thanh để tạo âm thanh. Ví dụ: car /kɑːr/
– /w/ (hữu thanh): Âm này có hình thức nửa nguyên âm. Hóp má lại và giữ môi chu và tròn. Dồn lực vào đầu môi. Dần mở môi lớn ra và chủ yếu về phía hai bên giống âm “qu” trong từ “qua”.
Ví dụ: well /wel/
– /j/ (hữu thanh): Đây là âm vòm miệng có hình thức nửa nguyên âm, đi trước nguyên âm. Ta phát âm âm này bằng cách phát âm âm /iː/ kéo qua nguyên âm đi sau nó.
Ví dụ: university /ˌjuːnɪˈvɜːrsəti/
– /h/ (vô thanh): Ta để môi mở, lấy hơi và hóp bụng. Sau đó, đẩy hơi ra để tạo âm /h/ như trong từ “hào hứng”.
Ví dụ: hot /hɑːt/
3. Một số lưu ý đặc biệt
3.1. Hai bán âm /j/ và /w/.
Ta gọi 2 âm này là bán âm vì tuy được xếp vào nhóm phụ âm nhưng chúng cũng có phần nào tính chất của nguyên âm.
- /w/ có khẩu hình lúc đầu giống âm /uː/. Hóp má lại và giữ môi chu và tròn. Dồn lực vào đầu môi. Dần mở môi lớn ra và chủ yếu về phía hai bên giống âm “qu” trong từ “qua”. Ví dụ: well /wel/
- /j/ là âm vòm miệng có hình thức nửa nguyên âm, đi trước và kết hợp với nguyên âm. Sở dĩ nói âm này có hình thức nửa nguyên âm là vì ta phát âm âm này như âm nguyên âm /iː/ kéo qua nguyên âm đi sau nó. Ví dụ: university /ˌjuːnɪˈvɜːrsəti/
3.2. Về phụ âm ɡ.
Nếu đi sau g là phụ âm I, y, e thì phát âm sẽ là dʒ
Ví dụ: gYm, gIant, gEnerate, hugE, languagE, vegEtable…
Nếu sau g là các nguyên âm còn lại a, u, o thì phát âm sẽ là g
Ví dụ: go, gone, god,gun,gum, gut, guy, game, gallic,…
3.3. Phát âm thường gặp của chữ “C”.
C được đọc là S nếu đứng trước các nguyên âm i, y, e
Ví dụ: city, centure, cycle, cell, cyan,…
C đọc là K nếu đứng trước nguyên âm a,u,o
Ví dụ: cat, cut, cold, call, culture, coke,…
3.4. Phụ âm /r/.
Khi ta có âm /r/ sau một nguyên âm, đặc biệt là nguyên âm dài, người Mỹ thường có xu hướng phát âm âm /r/ còn người Anh thường lược bỏ.
Ví dụ:
+ weather
Mỹ: /ˈweðər/
Anh: /ˈweðə(r)/
+ car
Mỹ: / kɑːr/
Anh: / kɑː(r)/
3.5. Chữ ‘h’ câm.
– Khi gặp chữ ‘h’, t thường có thói quen phát âm âm /h/.
– Tuy nhiên, có những trường hợp, đặc biệt là khi ‘h’ đứng ở đầu từ, ‘h’ sẽ không được phát âm, hay nói cách khác là có âm câm.
– Ví dụ: hour /ˈaʊər/, honest /ˈɑːnɪst/ , honor /ˈɑːnər/
3.5. Quy tắc phân biệt nguyên âm ngắn – nguyên âm dài.
– Về mặt phiên âm, nguyên âm dài chứa ký hiệu ː
– Như sau: / iː/, /uː/, /ɜː/, /ɔː/ và /ɑː/
– Về mặt tính chất âm, các âm nguyên âm dài tất nhiên là có sự kéo dài hơn về hơi.
– Về khẩu hình, các nguyên âm dài cũng có khẩu hình rõ, khuếch đại hơn so với các nguyên âm ngắn.
4. Một số lưu ý khi luyện phát âm tiếng Anh
Khi luyện phát âm, có 3 phần mà ta cần lưu ý như sau:
4.1. Chú ý phần môi (khẩu hình)
Khẩu hình hay cách điều khiển môi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân biệt các âm nguyên âm.
Ví dụ:
- Âm /uː/ được phát âm với môi chu nhiều về phía trước, tạo thành hình tròn nhỏ.
- Âm /ʊ/ lại được phát âm với môi chỉ chu nhẹ một chút và vẫn có phần dẹt, bẹt sang hai bên.
4.2. Chú ý phần lưỡi
Cách ta điều khiển lưỡi đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra điểm khác biệt giữa các âm phụ âm.
Ví dụ:
- Âm /s/ được phát âm với đầu lưỡi lưỡi được đưa lên về gần hoặc chạm vào phần chân răng của hàm răng trên. Lưu ý, lưỡi không cong.
- Âm /ʃ/ được phát âm với đầu lưỡi cong lên đến sát vòm họng.
4.3. Chú ý phần thanh quản
Thanh quản cần được chú ý để phân biệt rõ âm hữu thanh và vô thanh.
Âm hữu thanh là âm khi phát âm ta RUNG dây thanh quản.
Ví dụ:
- Tất cả các âm nguyên âm. Ví dụ:
- Một số âm phụ âm như: /uː/, /ʊ/, /ɪ/, /ɪ:/, /ɪə/, /eə/, v.v.
Âm vô thanh là âm khi phát âm ta KHÔNG RUNG dây thanh quản. Ví dụ: /s/, /t/, /k/, v.v.
Một số âm phụ âm như: /z/, /d/, /g/, v.v.
5. Vì sao cần phải học bảng phiên âm IPA?
5.1. Xây dựng nền tảng phát âm tiếng Anh vững chắc
Trước hết, việc nắm vững bảng phiên âm sẽ giúp bạn hiểu rõ được về đặc điểm và cách phát âm từng âm trong tiếng Anh cũng như cách chúng kết hợp và ảnh hưởng lẫn nhau.
Có được các kiến thức này là bạn đã có nền tảng để phát âm một cách tự tin, chính xác, có căn cứ thay vì dựa vào cảm tính, đoán phát âm dựa trên mặt chữ, nghe rồi mô phỏng lại mà không biết chắc các âm mình phát âm là những âm gì, v.v.
5.2. Dễ dàng tự học phát âm.
Khi đã nắm vững bảng phiên âm IPA, bạn có thể dễ dàng đọc được phiên âm của các từ. Khi gặp một từ mà bạn chưa biết cách phát âm, bạn chỉ cần vào từ điển, đặc biệt là các từ điển online, và tra cứu từ đó.
Ngay lập từ bạn sẽ thấy phiên âm của từ và nếu bạn biết đọc phiên âm, bạn có thể biết cách phát âm từ đó mà không cần phải nghe đoạn audio hướng dẫn cách phát âm.
Bạn cũng sẽ không cần phải chờ gặp giáo viên hay bạn bè để hỏi cách phát âm. Thật là tiện lợi đúng không nào?
💡 Đọc thêm: Tổng hợp các quy tắc phát âm tiếng Anh đầy đủ và chi tiết nhất!
5.3. Phát âm chuẩn, tránh tình trạng “Việt hóa” âm
Lợi ích quan trọng nhất của việc học bảng phiên âm đó chính là phát âm chuẩn. Khi bạn đã nắm cách phát âm và cách kết hợp các âm trong tiếng Anh bạn sẽ dễ dàng phát âm chính xác các từ thay vì nghe- nhớ phát âm một cách mơ hồ rồi từ đó dẫn đến việc tự tạo ra cách phát âm bằng các âm trong tiếng Việt, hay ta còn gọi là “Việt hóa”.
Ví dụ:
Từ ‘potato’- “khoai tây” có phát âm là /pəˈteɪtəʊ/. Tuy nhiên, nhiều người học do chưa nắm các âm trong tiếng Anh nên đã phát âm là pồ- tây- tồ. Một phần là 2 chữ ‘o’ gây liên tưởng đến “ô” trong tiếng Việt.
Mặt khác, khi nghe và phát âm theo, không phải người học nào cũng cảm nhận được đúng 100% âm. Và trong trường hợp này, các người học thường có xu hướng tự nhận định âm mình nghe được là âm “ô” vì đó là âm gần nhất họ biết.
Tuy nhiên, nếu có học bảng phiên âm IPA, ta sẽ biết là trong tiếng Anh không có âm “ô” mà 2 âm ta nghe được chính là âm /ə/ và âm /əʊ/.
Việc nắm bảng phiên âm quốc tế sẽ giúp ta cảm âm, nhận diện và xác định âm tốt hơn nhiều. Từ đó, ta xác định được từng âm trong từ cần được phát âm như thế nào.
6. Trang Web tra phiên âm tiếng Anh
Hiện nay có rất nhiều trang web và ứng dụng giúp bạn dễ dàng tra cứu phiên âm tiếng Anh chính xác một cách tiện lợi. IELTS CITY sẽ chia sẻ đến các bạn một trang web tra phiên âm tiếng Anh uy tín được rất nhiều người tin dùng đó là Cambridge Dictionary
Tại Cambridge Dictionary, bạn có thể tra phiên âm tiếng Anh chính xác của mọi từ mà bạn muốn, ngoài ra web còn kèm theo audio và ví dụ giúp bạn dễ dàng hình dung được cách phát âm, cách sử dụng của từ đó.
Hi vọng với bài viết trên, các bạn có thể thuần thục được cách đọc bảng phiên âm IPA và nắm được quy tắc luyện phát âm chuẩn quốc tế như người bản xứ. IELTS CITY chúc các bạn luyện phát âm thành công nhé!
Sau khi nắm được cách đọc bảng IPA các bạn hãy cùng IELTS CITY tiếp tục học các bài học phát âm sau nhé:
- Quy tắc trọng âm
- Phương pháp Shadowing: Cách luyện nói tiếng Anh chuẩn như người bản xứ
Nếu bạn đang tìm một nơi để luyện thi IELTS uy tín tại TP.HCM, bạn có thể tham khảo các khóa học IELTS cam kết đầu ra tại trung tâm IELTS CITY nhé!